Bộ truyện tranh lịch sử biên soạn theo SGK hiện hành, lần đầu tiên xuất hiện và ra mắt các độc giả trẻ tuổi đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây là việc làm rất đáng trân trọng của những người làm sách giáo dục, nhằm làm phong phú thêm nguồn tài liệu về giáo dục lịch sử, giáo duc truyền thống, giúp cho các học sinh nhỏ tuổi dễ dàng tiếp cận lịch sử và việc học lịch sử bớt nặng nề hơn.
Sách truyện tranh lịch sử- cơ hội cho học sinh yêu thích lịch sử.
Với cả cuộc đời tâm huyết, gắn bó với việc nghiên cứu, viết sách và giảng dạy lịch sử, cho đến bây giờ, dù đã ở tuổi 85, nhưng GS Sử học Đinh Xuân Lâm vẫn không nguôi nỗi trăn trở về việc dạy và học lịch sử trong nhà trường hiện nay. Theo GS, môn Lịch sử không thuần tuý đem đến kiến thức lịch sử cho người học, mà sâu xa hơn, nó góp phần giáo dục, đào tạo nhân cách con người. Và, mỗi lần có dịp trò chuyện với GS Lâm, chúng tôi lại nghe ông nhắc đến lời căn dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, như lời tâm sự, gửi gắm đến những người làm công tác giáo dục hôm nay, bởi thực tiễn việc dạy lịch sử và học lịch sử trong nhà trường còn quá nhiều bất cập.
Về những hạn chế, yếu kém của việc dạy và học lịch sử hiện nay, theo GS Lâm, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đáng quan tâm nhất đó là trình độ của đội ngũ giáo viên và nội dung chương trình SGK hiện nay đang khiến giới trẻ không hào hứng với việc học sử.
Chúng tôi thấy rằng việc dạy lịch sử có nhiều hạn chế. Vì giáo viên của chúng ta phần lớn tới lớp là truyền đạt những gì trong SGK thôi, chứ thiếu phần sáng tạo, thiếu phần động viên học sinh cho nó hào hứng và phát huy được suy nghĩ. Và như vậy học sinh là vai trò thụ động, bị động.
Đồng tình với quan điểm của GS Đinh Xuân Lâm, ông Ngô Trần Ái, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thừa nhận một thực tế :
Phải nói là học sinh từ bậc tiểu học đến PTTH, qua những bài kiểm tra, qua những bài thi tốt nghiệp phổ thông, lỗ hổng kiến thức về môn lịch sử rất lớn. Chúng tôi tìm hiểu thì thấy là việc giảng dạy lịch sử và SGK lịch sử chưa đáp ứng được yêu cầu học tập. Thứ nhất vẫn là theo tình trạng thầy đọc trò chép, học thuộc lòng. Nhưng học sinh học thuộc lòng thì sau lại quên mất.
Để nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử, theo ông Ngô Trần Ái, có nhiều việc phải làm, nhưng ở góc độ người làm sách, ông cho rằng, điều quan trọng là tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận tài liệu, có hứng thú với việc đọc, việc học lịch sử. Cũng từ quan điểm này, ý tưởng tổ chức cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK hiện hành, đã hình thành:
Chúng tôi suy nghĩ là tại sao học sinh mình đọc truyện tranh nước ngoài, truyện Doremon, đọc say mê và lại thuộc lòng được như thế. Ta phải đưa một hình thức khác vào học lịch sử, đó là truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa. Rõ ràng là cuộc thi có khó khăn vì phải kết hợp giữa văn học, lịch sử, mĩ thuật Cuộc thi tổ chức dài từ năm 2005 đến nay mới tổng kết được. Chương trình phổ thông đến năm 2008 mới xong của lớp 12, phải chờ hết chương trình SGK thì mới có cuộc thi hoàn chỉnh theo SGK.
Khác với nhiều cuộc thi mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã từng tổ chức trước đây như cuộc thi Viết truyện ngắn về giáo dục đạo đức, pháp luật, cuộc thi Viết truyện ngắn về nhà giáo Việt Nam,…cuộc thi “Biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK hiện hành” lần này là cuộc thi không dễ thực hiện đối với người dự thi, cũng như ban tổ chức, ban giám khảo, bởi yêu cầu và tính đặc thù của tác phẩm:
Cuộc thi kéo dài từ 2005 đến bây giờ tức là 5 năm và chỉ có 1800 tác giả, chọn ra được gần 300 tác phẩm. Đó là một sự khó khăn. Thứ nhất là người dự thi phải kết hợp với nhiều thầy cô giáo, nhiều tác giả khác nhau am hiểu lịch sử, nhưng cũng phải kết hợp với nhiều nhà văn để viết lời cho súc tích, ngắn gọn nhưng phải đầy đủ. Lại phải có họa sĩ, những nhà làm mĩ thuật tham gia. Cho nên đây là sự kết hợp hài hòa giữa văn học, lịch sử và mĩ thuật. Sau khi lựa chọn bài thi rồi lại phải có hội đồng giám khảo cũng rất tinh tế góp ý cho NXB để sửa chữa, hiệu đính lại. Nên cuộc thi đã rất khó khăn để chọn ra các bài được giải. Nên phải nói cuộc thi rất là đặc trưng, đặc biệt. NXB còn đưa tranh thành phim truyện trên đĩa CD, như phim hoạt hình. Hy vọng rằng với tập truyện tranh này, với những truyện phim lịch sử sẽ khắc sâu những kiến thức lịch sử cho các cháu
GS. Đinh Xuân Lâm trao đổi:
Chúng tôi rất hoan nghênh chuyện này là vì thực tế truyện tranh lịch sử là một tài liệu rất cần thiết để cho HS có thể mở rộng kiến thức và qua truyện tranh lịch sử thì các em thêm hào hứng. Mà chúng ta thấy là HS rất thích truyện tranh. Và trong việc giáo dục lịch sử thì ngoài các công cụ để dạy, để giảng, để học thì truyện tranh này là công cụ để nâng cao chất lượng, giúp cho thầy cô giáo thực hiện được nhiệm vụ của mình, truyền đạt kiến thức lịch sử một cách tốt hơn và giúp HS tiếp nhận được, hiểu được lịch sử hơn, tâm đắc với lịch sử hơn. Và như vậy chất lượng giảng dạy được nâng cao hơn.
Tham gia cuộc thi ngay từ ngày đầu phát động, với hai tác phẩm: Trạng nguyên nhỏ tuổi vàDanh sư Đào Duy Từ, tác giả Lâm Bằng, ở Hội Văn học- nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá trao đổi:
Tôi rất yêu thích bộ môn lịch sử. Trong khi đó thì một bộ phận rất lớn giới trẻ hiện nay rất thờ ơ với lịch sử. Chính vì thế tôi muốn thông qua truyện tranh lịch sử để giúp các em tiếp cận với lịch sử thế giới, lịch sử của dân tộc.
Giành giải nhất cuộc thi với tác phẩm: Anh hùng Võ Thị Sáu, Tạ Lan Hạnh, quê Đà Nẵng, sinh viên năm thứ hai trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội không giấu được niềm vui:
Cảm xúc của em bây giờ là rất vui mừng và bất ngờ khi được giải Nhất trong cuộc thi. Em tham gia cuộc thi đợt 2 này là lần thứ 2, dưới sự phát động phong trào của trường cấp II, trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Bố mẹ và thầy cô rất ủng hộ em và em cũng muốn thử sức. Vì em đam mê truyện tranh từ bé.
Bộ truyện tranh lịch sử theo SGK mới ra đời, là ấn phẩm song ngữ Việt - Anh, khá đẹp và hấp dẫn. Đây là công cụ hữu ích góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ- món quà thực sự có ý nghĩa chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội./
|