Siết chặt quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Một loạt hàng rào “kỹ thuật” được đưa ra nhằm loạt bỏ sạn trước khi đưa vào trường học.
Theo thông tư này, xuất bản phẩm tham khảo được lựa chọn sử dụng trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau: Phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành đối với từng cấp học, lớp học; Đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm và tính thẩm mĩ; Phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi của đối tượng sử dụng; không trái với văn hóa, lịch sử, địa lí, đạo lí và thuần phong mĩ tục Việt Nam; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
Có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia; Không vi phạm các quy định của pháp luật.
Thông tư này cũng nêu rõ, tổ/nhóm chuyên môn, căn cứ vào mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục, sách giáo khoa, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, các hoạt động giáo dục và đề xuất của giáo viên để lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu liên quan đến môn học/lớp học, hoạt động giáo dục.
Định kì vào đầu năm học, thủ trưởng cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng để xem xét, lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo trên cơ sở đề xuất của các tổ/nhóm chuyên môn. Thành phần tối thiểu của Hội đồng gồm: Lãnh đạo cơ sở giáo dục phụ trách chuyên môn, tổ/nhóm trưởng chuyên môn và viên chức phụ trách thư viện trong cơ sở giáo dục.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu để có kế hoạch mua sắm và sử dụng hằng năm trong cơ sở giáo dục trên cơ sở đề xuất của Hội đồng lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo, cân đối nguồn kinh phí, quy mô của cơ sở giáo dục, số lượng và chất lượng xuất bản phẩm tham khảo đã có tại cơ sở giáo dục.
Làm sai quy định sẽ xử lý nghiêm
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được những xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng và sử dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu; kịp thời phản ánh với cán bộ quản lí cơ sở giáo dục về những xuất bản phẩm tham khảo không đúng với các quy định tại Thông tư này.
Tuy nhiên, giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học; Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tại các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên.
Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thủ trưởng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xây dựng các quy định chi tiết về lựa chọn, mua sắm, quản lí, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo và chịu trách nhiệm về nội dung, danh mục xuất bản phẩm tham khảo lưu hành trong cơ sở giáo dục theo quy định; Có biện pháp chủ động ngăn ngừa các xuất bản phẩm tham khảo không đúng các quy định xâm nhập vào cơ sở giáo dục.
Dừng việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo có nội dung sai sót, không phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục và sách giáo khoa hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tại cơ sở giáo dục; Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lí kịp thời...
Các Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư này đối với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
Đình chỉ việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo có nội dung sai sót, không phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục và sách giáo khoa hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục; Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các đơn vị này xử lí theo thẩm quyền đối với những cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Thông tư này theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ GD-ĐT cho biết thêm, thông tư này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Xuất bản phẩm tham khảo quy định tại Thông tư là những xuất bản phẩm được xuất bản và phát hành hợp pháp bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng âm thanh, bằng hình ảnh và được thể hiện dưới các hình thức: sách in, sách chữ nổi, tranh, ảnh, bản đồ, bản ghi âm, ghi hình có nội dung được biên soạn phù hợp với mục tiêu giáo dục; chương trình giáo dục mầm non; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nhằm ôn tập, củng cố, bổ trợ, nâng cao kiến thức; rèn luyện kĩ năng và phát triển nhân cách cho học sinh, học viên và giáo viên.
Tin tức khác
- Hoàn thành công tác giới thiệu SGK Lớp 2, Lớp 6 theo chương trình GDPT 2018
- NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực
- Hoạt động kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2018)
- Hội nghị tổng kết năm 2017 và đại hội Công đoàn bộ phận nhiệm kỳ 2018 - 2023
- Tổ chức tham quan du lịch Đà Nẵng hè 2017
- Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017
- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhận giải tại Lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016
- Soạn sách giáo khoa kiểu mới
- Công ty CP Sách giáo dục tại TP. Hà Nội tổ chức hoạt động tập thể tại Kim Bôi – Hòa Bình nhân dịp 20-10
- Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo phương án thi năm 2017