NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM
CÔNG TY CP SÁCH GIÁO DỤC TẠI TP.HÀ NỘI
Cắt giảm những môn vô bổ ở đại học như thế nào?
  • Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp: 0246 253 4301

Cắt giảm những môn vô bổ ở đại học như thế nào?

24/02/2016
Twitter Pinterest Google Plus

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, nguyên trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, cho rằng giảm thời gian học đại học là việc không hề đơn giản.

  

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, ĐHQG Hà Nội, rút ngắn thời gian học đại học, Bộ GD-ĐT
Bộ GD-ĐT đang đề xuất rút ngắn tời gian đào tạo đại học

Ai cũng muốn cắt, nhưng không phải môn của mình

Ông nhận xét như thế nào về đề xuất của Bộ GD-ĐT rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 4 – 6 năm xuống còn 3 – 4 năm?

- Tôi khẳng định việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học là phù hợp với việc hội nhập quốc tế. Rất nhiều chương trình đào tạo của các nước châu Âu đều rút ngắn thời lượng học, điều này phù hợp phương thức đào tạo theo tín chỉ mà Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo.

Vấn đề là cần có sự thống nhất nên rút ngắn như thế nào để nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo. Mục tiêu là sinh viên phát huy được sở trường của họ, tốt nghiệp có khả năng tìm được việc làm. Vì thế, cần tập trung vào “dạy cho họ một cái nghề thật giỏi”.

Chương trình đào tạo bao gồm 4 khối kiến thức: Kiến thức chung (chính trị, tư tưởng, ngoại ngữ, toán đại cương…), kiến thức cơ sở, sau đó vào kiến thức ngành, rồi chuyên ngành.

Khối kiến thức chung, gần như trường nào cũng có, tổng cộng khoảng 30 tín chỉ, chiếm khoảng 1 năm học. Như vậy chỉ có 3 năm học chuyên ngành và chuẩn bị tốt nghiệp.

Nếu chúng ta đào tạo 3 năm thì có nghĩa là thời gian đào tạo ngành không thể rút đi được, bởi vì lý thuyết có thể điều chỉnh ngắn đi nhưng phải tăng thời gian thực hành. Nếu rút ngắn thời gian đào tạo mà lại giữ khối kiến thức chung, cắt vào kiến thức ngành thì có khác nào trong một bữa ăn cắt đi món chính và để lại toàn món phụ.

Vậy khối kiến thức chung kia phải làm thế nào? Nhìn sang các trường ở châu Âu áp dụng chương trình đào tạo 3 năm, thì họ không có khối kiến thức chung như Việt Nam. Khối kiến thức chung với một số môn học bắt buộc đều được đẩy ra khỏi chương trình đào tạo chính thức, trở thành điều kiện cần cho các sinh viên tốt nghiệp. Ví dụ như ngoại ngữ chẳng hạn, sinh viên được yêu cầu phải có được chứng chỉ đúng theo quy định, còn việc họ học ở đâu là tùy ý.

Với tình hình đào tạo thực tế của Việt Nam hiện nay, điều ông cho rằng đáng băn khoăn nhất nếu các trường thực hiện việc rút ngắn thời gian đào tạo là gì?

- Khi chuyển đổi từ đào tạo niên chế (academic year) sang đào tạo theo tín chỉ (credit system) nhiều thầy cô rất ủng hộ rút ngắn thời lượng từ 240 - 250 đơn vị học trình xuống 120 - 140 tín chỉ, nhưng lại không muốn giảm giờ dạy của môn mình phụ trách (?). Cho nên phải tổ chức tọa đàm, ra nghị quyết để thống nhất, đồng lòng biên soạn lại chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Đó là việc làm không hề đơn giản!

Nay, muốn giảm bớt thời lượng chương trình đào tạo đại học, thì chắc chắn không thể cắt giảm một cách cơ học, cẩu thả, duy ý chí được.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, ĐHQG Hà Nội, rút ngắn thời gian học đại học, Bộ GD-ĐT
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã

 Có tới 4 lực lượng tham gia đóng góp vào xây dựng chương trình đào tạo cơ mà. Đó là các nhà sử dụng sản phẩm đào tạo, các chuyên gia giáo dục và giảng viên giàu kinh nghiệm, các sinh viên đang theo học và các cựu sinh viên đã tốt nghiệp. Chắc chắn lãnh đạo nhà trường sẽ lắng nghe tư vấn thật kỹ để ra quyết định nên cấu trúc lại chương trình đào tạo sao cho phù hợp nhất. 

Tôi muốn nói phù hợp chứ không phải tối ưu nhất, bởi lẽ mỗi trường có đặc thù riêng, địa bàn hoạt động, môi trường và điều kiện đảm bảo chất lượng khác nhau, nên đó là việc khó nhất.

Làm sao để chương trình đào tạo đi đôi với đổi mới phương pháp giảng dạy, khai thác các sản phẩm công nghệ trong đào tạo, thư viện, quan hệ hợp tác giáo dục có hiệu quả nhất. chứ không chỉ là vấn đề thời lượng đào tạo.

Cắt giảm những môn sinh viên không chọn

Viện trưởng Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông Trần Công Phong cho biết: “Rút ngắn thời gian đào tạo không đồng nghĩa với cắt giảm khối lượng kiến thức cần thiết, hay giảm chất lượng đào tạo”.

Là người có kinh nghiệm lâu năm làm việc trực tiếp tại trường đại học, ông cho rằng những khối lượng kiến thức không cần thiết thường nằm ở đâu? Và việc cắt giảm có thể diễn ra đơn giản, nhanh gọn được không?

- Rất đúng! Kinh nghiệm cho thấy phải mất nhiều năm mới chuyển được từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Có đơn vị đào tạo vẫn quan niệm đơn giản dẫn đến không phải là đào tạo theo phương thức tín chỉ hoặc là “tín chỉ nửa vời”.

Nếu là đào tạo theo tín chỉ thực sự thì sinh viên có quyền đăng ký học những môn học bổ ích cho họ, được lựa chọn môn học, lựa chọn thời điểm học, lựa chọn tốc độ học cơ mà. Nhà trường phải xây dựng nhiều môn học khác nhau, chuẩn bị điều kiện cho sinh viên được lựa chọn.

Sinh viên rất thông minh để biết chọn môn học nào là thật sự cần thiết. Từ đó, nhà trường sẽ nhìn thấy môn nào không ai lựa chọn, thầy cô nào không ai đăng ký học thì dễ dàng giải quyết hơn là áp đặt kiểu cứng nhắc. Đó cũng là theo chuẩn quốc tế chứ không phải là gì mới cả.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, ĐHQG Hà Nội, rút ngắn thời gian học đại học, Bộ GD-ĐT
Ảnh Lê Anh Dũng

Một số môn học hiện nay được mặc định là không thể thiếu trong chương trình đào tạo của các trường là các phần học về chính trị, tư tưởng. Theo ông, có nên đặt ra vấn đề cắt bớt thời lượng học những môn này không? Nếu cắt bớt có ảnh tưởng gì tới việc hình thành nhân cách, đạo đức của sinh viên không?

- Bộ GD-ĐT đã có quy định Khung chương trình đào tạo bậc đại học, bậc cao đẳng. Điều này rất cần thiết để đảm bảo mặt bằng (levels) chung toàn quốc, nhưng các trường phải chủ động để có chương trình đào tạo hoàn chỉnh, mang sắc thái, thương hiệu của riêng trường mình.

Để giúp cho sinh viên phát triển toàn diện, không thể thiếu những môn chính trị, văn hóa xã hội… Vấn đề là cách giảng dạy, nội dung giảng dạy như thế nào.

Ở bậc đại học, người thầy giỏi phải biết cách truyền tâm huyết, khát vọng tìm tòi khám phá cho người học chứ không thể giảng dạy “thầy đọc trò chép” được. Cái khó là môn học nào nên chuyển thành môn điều kiện tốt nghiệp, môn học nào là chủ đạo, cốt lõi của ngành đào tạo thì không được cắt giảm.

Với một thời lượng học tương đương nhiều khóa đào tạo cử nhân ở các nước có nền giáo dục tiên tiến nhưng chất lượng cử nhân Việt Nam vẫn không được đánh giá cao. Nếu chỉ nhìn vào chương trình đào tạo và phân bố chương trình, theo ông, điều gì làm nên sự khác biệt về chất lượng đào tạo?

- Có sinh viên đã thắc mắc: Cùng một chương trình đào tạo về kinh tế hoặc công nghệ mà nhiều trường cùng đào tạo thì sự khác nhau ở chỗ nào?

Xin trả lời là khác nhau là tấm bằng tốt nghiệp ấy do trường nào cấp! Vì vậy, người học phải lặn lội để được học ở trường nào có nhiều giáo sư giỏi, thương hiệu danh tiếng cho dù học phí đắt. Thật khó khi ví rằng: thực khách bây giờ rất sành ăn, họ sẽ tìm đến quán phở ngon dù là trong ngõ hẻm, dù phải xếp hàng!

Tôi lấy một thí dụ  về đào tạo đại học ở Mỹ - cũng 4 năm, nhưng là 4 năm học và làm việc thật sự.

Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên phải hoàn thành được một bài tập cụ thể, và phải tham gia vào một nghiên cứu.

Tới năm thứ hai, sinh viên phải xuống thực tế tại các nhà máy, cơ sở lao động và phải có được một bài tham luận.

Năm thứ ba, sinh viên phải tham gia được vào các công trình nghiên cứu khoa học của thầy cô, để được trực tiếp làm một số việc đơn giản, qua đó hiểu về quy trình, cách thức làm một đề tài khoa học.

Sang năm thứ tư, sinh viên phải có một khóa luận thức sự, phải có được công trình nghiên cứu của riêng mình.

Trải qua một quá trình học tập, làm việc cật lực như vậy nên sinh viên của Mỹ nắm rất chắc cả lý thuyết với kỹ năng.

Ngoài ra, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhưng trước hết là đội ngũ và chất lượng đội ngũ giảng viên. Bạn sẽ tự hào khi khoe với bạn bè được học môn này do thầy này dạy; bạn sẽ nhớ mãi những kỉ niệm về thầy dạy trong suốt cuộc đời. Đó chính là sự khác biệt!

Xin cảm ơn ông.

"Ta xem những nước tiên tiến họ đã làm và thành công như thế nào để rút kinh nghiệm. Vả lại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên những quy định, luật lệ, số lượng các môn học, thời lượng đào tạo…ta cũng nên giống họ để dễ trao đổi, dễ liên thông liên kết - giống như luật bóng đá vậy!"

Theo VietNamNet

HAEBCO

VIDEO

Giới thiệu bộ sách mỹ thuật tiểu học

ĐỐI TÁC